Trái Thơm – Dứa – Quyền năng của thực vật (kỳ 8)

15 Tháng Tư, 2021
Quyền Năng Của Thực Vật (Kỳ VIII)
Thơm không chỉ là một cây ăn quả mát và có tính giải khát, mà còn là một cây thuốc quý. Thơm thường ra hoa kết quả vào mùa hè nên mang trong mình khả năng thích ứng mạnh với ánh mặt trời, chứa một lượng vitamin C đáng kể có thể giúp chống oxy hóa, bảo vệ làn da khi đi dưới ánh mặt trời ban trưa gay gắt, chống lão hoá da và giảm nếp nhăn.

Bromelain của thơm

là một loại kháng sinh tự nhiên mạnh mẽ có thể giúp điều trị giảm đáng kể tất cả các loại viêm (đặc biệt là viêm đường ruột, viêm xoang, viêm phế quản, viêm thận, viêm và sưng phổi, viêm họng), kháng nhiễm trùng nhiễm khuẩn rất tốt, giảm đau nhức xương khớp, giúp tiêu hóa chất đạm, làm tiêu các khối mỡ, ngừa cao huyết áp, loét, giãn tĩnh mạch, phù phổi, huyết khối, rối loạn tiêu hóa, làm tan máu tụ gây đau tim. Khi bôi lên các viết thương vết bỏng có thể làm tan các mô hoại tử, chống tụ huyết, phù nề. Tuy nhiên chất này dùng nhiều sẽ gây chống đông máu, không phù hợp cho người nào dễ chảy máu, bị chứng máu không đông.

Thơm chứa các enzyme

giúp chữa trị chứng đau do viêm họng và làm thông các xoang. Mangan trong thơm giúp tăng cường khả năng sinh sản ở nam giới bằng cách cải thiện độ năng động của tinh trùng. Mặc dù hầu hết bromelain tập trung chủ yếu ở phần lõi và cuống nhưng nước ép thơm cũng đã cung cấp đủ lượng bromelain và các enzyme khác cần thiết cho nhu cầu cơ thể, nhiều quá lại thành có hại. Nước ép thơm giúp xoa dịu các triệu chứng viêm ruột kết, đau vùng bụng, đầy hơi, tiêu chảy và mất nước, phòng chống các bệnh sưng viêm, đau khớp, phục hồi sau chấn thương.
Thơm dùng trong bữa ăn giúp tiêu hóa tốt, phân giải đạm khó tiêu, làm tan dầu mỡ. Nhờ vậy mà hỗ trợ hấp thu dưỡng chất, hỗ trợ tiêu hóa, trị tiêu chảy, lợi tiểu, chống viêm cục bộ, giảm phù thũng, trị sỏi thận, đau dạ dày và chống ung thư. Ăn thơm thường xuyên còn giúp làm thuyên giảm bệnh máu đông, bệnh động mạch vành, tắc động mạch não, là loại thực phẩm bỗ dưỡng cho người mắc bệnh tim mạch.

Tác dụng của Thơm

Viêm thận

thì dùng 100gr thơm và 50gr rễ tranh sắc cùng 5 chén nước đến còn 2 chén, chia ra uống 2 lần trong ngày.

Bệnh phù thũng, tiểu khó

thì ăn mỗi ngày 300gr thơm, có thể chia ra làm 2 lần.

Huyết áp thấp

dẫn đến chóng mặt, hoa mắt, tứ chi uể oải thì xào 300gr dứa, 2 ngày ăn 1 lần như vậy.

Nóng trong người, khô họng

thì xay hoặc ép 300gr thơm, cho vào ít muối biển rồi uống.

Say nắng trúng gió, sốt cao, sốt vàng da

thì dùng 50gr nõn thơm (phần non của ngọn cây) giã nát vắt nước cốt (hoặc xay, ép đều được) rồi uống. Có thể dùng nhiều lần trong ngày.

Sốt, nóng toàn thân

thì dùng 40gr thơm ép nước hoặc sắc nước uống.

Trẻ nhỏ chán ăn, táo bón

thì ngâm 350gr thơm trong nước muối nhạt khoảng 10 phút, cắt khối và thêm nước để nấu, thêm đường cho vừa miệng. Mỗi ngày dùng 1 lần, liên tục 1 tuần, giúp bổ tỳ ích vị, nhuận tràng.

Tiểu tiện không thông, sạn sỏi thận

thì dùng 40gr rễ sắc nước uống. Sỏi đường tiết niệu, bí tiểu tiện, tiểu buốt, tiểu ra máu thì dùng 1 quả dứa, gọt bỏ vỏ và thêm chút phèn chua, nấu trong 3 giờ liền, ăn và uống nước, dùng 1 tuần liền. Có thể kết hợp uống rễ thơm sắc nước như trường hợp trước để tăng hiệu quả.

Viêm phế quản, ho

thì sắc nước 150gr thơm, lửa nhỏ, thêm 30ml mật ong, uống nước và ăn xác, sáng và tối mỗi buổi 1 lần. Có lá tỳ bà thì dùng 30gr.

Ngộ độc rượu

thì cắt khối thơm và sắc nước, ăn và uống nước. Lượng đủ dùng, tùy mỗi người.

Viêm ruột, tiêu chảy

thì dùng 50gr lá thơm sắc nước hoặc ép nước uống nguyên chất không pha.

Đầy hơi khó tiêu, viêm ruột cấp

thì dùng 100gr rễ và lá thơm rửa sạch, thêm nước 5 chén sắc còn 2 chén, chia ra 2 lần uống.

Nhuận tràng và tẩy ruột

thì ép 50gr thơm xanh, lấy nước uống. Không phù hợp cho phụ nữ mang thai.

Rối loạn tiêu hóa

thì ép nước 1 quả thơm và 2 quả quýt uống.

Phòng và trị viêm gan, xơ gan

thì ép nước 40gr thơm, 40gr dưa hấu đỏ loại ngọt nhiều, mật ong vừa đủ, nếu có thạch liên hoa thì cũng dùng 40gr. Uống cách ngày.

Kết lại

thơm vị ngọt, hơi chua, tính bình, có tác dụng giải khát, thanh nhiệt, sinh tân dịch, giúp tiêu hóa, nhuận tràng, tiêu tích trệ, giảm sưng tấy, lợi tiểu, ích tỳ vị, tốt cho dạ dày, ngừa ung thư, tan sỏi thận, trị say nắng, giải rượu, hạ huyết áp cao, trị ho do nhiệt, viêm cuống phổi, đau họng, bài tiết độc tố, tốt cho xương, răng và mắt.
Những người lạnh bụng khi dùng nên nấu canh để dùng, tránh dùng tươi. Thơm còn tươi trước khi ăn nên ngâm và rửa bằng nước muối. Sau khi ăn nếu thấy đau bụng, tiêu chảy, có cảm giác ngứa lưỡi, tê miệng thì nên ngưng. Bị chàm, lở loét, mụn nhọt thì không nên ăn mà nên ép nước dùng bôi ngoài.
Nên chọn quả tươi, các dưỡng chất và enzyme sẽ mất đi nhanh chóng sau khi cắt hoặc nấu. Quả chín, sắp hỏng lại chứa hàm lượng hoạt chất chống oxy hóa cao nhất. Nước ép thơm có tác dụng hạ sốt, làm dịu viêm họng và long đàm một cách tự nhiên, đây là ứng dụng nhanh và tiện nhất của nước ép thơm. Ngoài ra có thể làm kem và salad, chế biến được nhiều món khác nhau, phù hợp để ép chung với nhiều loại rau củ quả. Nước dứa còn diệt khuẩn tốt nên rất thích hợp dùng để thải độc, làm sạch ruột, tẩy giun, làm sạch mảng bám và vi khuẩn ở răng miệng.
Đăng trong Dinh Dưỡng